Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014
Đọc Sài Gòn mai gọi nhau bằng cưng!
Trời trưa Sài Gòn nhưng hôm nay dìu dịu và trong tiếng mưa buồn bã, ngồi nghe những tình khúc bất hủ nhẹ nhàng bỗng dung làm mình nhớ những tản văn “Sài Gòn mai gọi nhau bằng cưng” của chị Hạ Dung mà mình quen gọi là chị Gió.
Mình - tài văn chương không có nhưng vẫn muốn bằng vốn liếng từ ngữ tiếng Việt còn kém cỏi này, vụng về viết lên những cảm xúc nhẹ nhàng xen lẫn buồn man mác và hoài cổ khi đọc “Sài Gòn mai gọi nhau bằng cưng” của chị. Những dòng cảm xúc ngắn chị viết lên nhẹ như hơi thở, có khi buồn khi vui vẻ nhưng vẫn đâu đó thoang thoảng nét buồn. Sự nhẹ nhàng bao bọc bên ngoài một ngọn Gió kiên cường và dũng cảm dẫu biết rằng không dễ dàng gì khi đối diện những sự kiện không vui trong cuộc sống, những nỗi đau và sự cô đơn. Nhưng Gió vẫn tìm thấy trong cuộc sống, trong từng niềm vui, nỗi đau đều có niềm an ủi. Và vẫn không làm mất đi bản tính lãng mạn của Gió. Từng chiếc lá, hàng rào, dây leo, tán cây rợp trên đầu cũng mang lại nhiều cảm xúc và gợi nhớ dù đâu đó ngày trước mình đều đã trải qua nhưng chưa bao giờ dừng lại để ngẫm, để nhìn và cảm nhận những niềm vui nho nhỏ từ đó. Những tản văn cứ như nói hộ lòng mình nhiều cảm xúc mà mình không đủ ngôn từ để viết, để trải lòng như chị. Từng chú ý nhỏ, tinh tế như màu lá úa, và cả cái sở thích lá hơn hoa ấy. Và cả cảm giác về hàng rào cứng ngắc và giàn hoa làm mềm hơn những cảm giác quy tắc, ranh giới của nó tạo ra. Và cả những con đường Sài Gòn ngày trước cũng rộng hơn bây giờ mà có lẽ ngày do tuổi nhỏ luôn nhìn mọi thứ bằng con mắt ngây thơ và thấy gì cũng rộng, cũng lớn. Hay là do ngày trước Sài Gòn vắng người hơn nhỉ?
Chị làm mình nhớ Sài Gòn ngày trước, những ngày còn chưa đến nỗi khói bụi, ồn ã như bây giờ. Sài Gòn ngày trước của mình không xưa như của chị nhưng vẫn kịp cảm nhận được những gì chị viết. Hình ảnh những chiếc nón lá, chiếc xích lô cùng bác tài vất vả như sống lại, mình cảm giác đang được ngồi trên xích lô cùng mẹ và các em đi sở thú ngày còn bé xíu, cái tuổi nghe tiếng gầm của sư tử trong chuồng mà chạy trốn sau một bụi cây với mặt cắt không hột máu. Và có cả những niềm vui tuổi học trò mà gần như ai cũng trải qua nhưng với mình chỉ mãi là giấc mơ với những lá thư hộc bàn, những bước chân theo, … làm mình mơ mộng về ngày xưa ấy với hai chữ “ước gì”. Và cuối cùng cũng chỉ có những nỗi buồn không tên khi mưa xuống là luôn đeo đẳng mình cho đến tận bây giờ.
Rồi tà áo dài, mình thấy thật may mắn khi mình đã được mặc tà áo dài trắng trong suốt 3 năm trung học trong ngôi trường cổ kính với kiến trúc kiểu Pháp mà không phải là bộ đồng phục kiểu âu bây giờ. Cảm giác háo hức chờ đợi ngày được mặc áo dài đi học vẫn còn nguyên vẹn. Còn nhớ ngày đầu tiên đến trường làm lễ khai giảng, mình đã mặc áo dài trắng và xoay đi xoay lại nhìn ngắm mình, cảm giác thật đặc biệt và mãn nguyện. Đi đứng cũng nhẹ nhàng, ý tứ hơn. Làm gì cũng không … tung tăng như trước. Mình thấy mình đã lớn J . Và sự kết hợp màu không thể hơn với chiếc xe đạp mini màu đỏ tươi của mẹ, mình đến trường trong cảm giác: hôm nay mình thật đẹp! Và đến bây giờ sau mười mấy năm không biết đến mặc áo dài là gì, mình thèm được mặc lại. Nhìn những cô bé học trò, sinh viên mặc áo dài bây giờ ngồi sau xe thì không còn ngồi kiểu ngồi của con gái Sài Gòn ngày trước, mình thấy tiếc cho chiếc Áo Dài.
Rồi những câu hò, điệu lý ru con ngày trước. Không hiểu có phải do thời xa xưa thân phận người phụ nữ cơ cực và đầy chịu đựng mà rất nhiều, từng câu hò, điệu lý ru con cũng buồn thê thiết. Hay vì mình chỉ biết đến một vài câu buồn thảm đó nhỉ? Đến nỗi bây giờ thỉnh thoảng muốn hát lại ru cho đứa cháu nhỏ ngủ mà không dám ngân nga cho tròn giọng. Vì mình sợ cái điệu buồn sâu hoắm đó. Chỉ còn dám ru một hai câu mà mình còn nhớ được không chính xác và không thấy buồn:
“Ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời”
“Ví dầu ví dẫu ví dâu
Ví qua ví lại ví trâu vô chuồng
Vô chuồng bắt được sợi mây
Đem về thắt gióng cho chàng đi buôn
Đi buôn đi bán không lỗ thì lời
Đi ra cho biết mặt trời mặt trăng”
Và người thầy dạy của chị làm mình nhớ cô giáo dạy văn lớp 10 của mình. Không hẳn giống nhau nhưng tấm lòng và tâm huyết như nhau. Ngày trước với hiểu biết hạn hẹp mình chỉ thấy cô không dạy sát theo giáo trình như sách giáo khoa, cô nói cô không thích. Và cô cho lũ trò đang giương mắt lên kia biết thơ Nguyễn Bính, về bài thơ tuyệt một màu trắng “Khóc hồn trinh nữ”, và Nguyễn Bính “Ghen” thế nào, và lúc đó ngây ngô tự hỏi: vì sao lại hỏi Gái Xuân “Đêm xuân cô ngủ có buồn không?”; rồi truyện Kiều với những đoạn thơ khác ngoài sách giáo khoa; thơ Hồ Xuân Hương thâm thúy, đáo để và bản lĩnh thế nào, rồi nhiều nhà thơ khác nữa, mở ra một thế giới thơ rộng hơn trong sách giáo khoa. Và lần đi thiện nguyện đầu tiên của mình cũng nhờ cô khởi xướng mà mình biết các em nhỏ mồ côi đáng thương và đáng yêu thế nào. Và dù có ngây ngô tự hỏi sao cô không dạy theo sách nhưng một tình cảm tự nhiên đã len vào lòng đám học trò ngày ấy và nhiều đứa gọi cô bằng 2 tiếng “má Hiên” chứ không phải “cô Hiên”.
Cảm ơn chị Gió. Cảm ơn chị đã đòi đổ bình mực cho tím ngắt dòng sông Thu Bồn. Cảm ơn chị đã cho em những phút giây hoài niệm, những cảm xúc bỏ quên và cả vô tâm bỏ qua em không thể viết thành lời. Và cảm ơn chị vì làm cho em nhớ lại em đang ở Sài Gòn, em biết chú ý đến ngôi chùa Xá Lợi mà bao năm em đi học ngang gần đấy mà đã không … nhìn thấy???. Thấy yêu Sài Gòn trở lại. Và em xin lấy một lời chúc của cô giáo chủ nhiệm năm lớp 11 của em, cũng là một giáo viên dạy văn, đã gửi em ngày ấy, em “Chúc chị luôn tìm thấy niềm vui trong mỗi giây phút sống”.
Ngày 18 tháng 6, Sài Gòn chiều mưa.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)